Thư giãn cùng miệt vườn sông nước miền Tây yên bình
“Cần Thơ gạo trắng nước trong
Ai đi đến đó lòng không muốn về…”
Như chính lời ca ngọt ngào đó, miền Tây được thiên nhiên ưu ái ban tặng vẻ đẹp khung cảnh sông nước hữu tình. Về miền Tây, du khách có thể bỏ lại sau lưng cuộc sống xô bồ, náo nhiệt của phố thị và đắm chìm cùng cảnh làng quê yên ả, sống chậm cùng nhịp chèo khua và thả hồn vào những câu ca mê đắm lòng người.
Mùa hè – cái mùa mà những áp lực công việc và cuộc sống cùng với sự nắng nóng đến 40 độ của Sài Gòn khiến người ta ngộp thở thì cũng là mùa nhiều du khách đi du lich mien tay nhất. Sở không ít người chọn miền Tây mà không phải bất cứ điểm du lịch nào khác là bởi vì cảnh sắc hữu tình, nhiều đặc sản, cuộc sống đời thường đơn giản và giản dị và hơn hết là nét chân tình của người dân miệt vườn dân dã.
Miền Tây chào đón du khách phương xa đến với nơi đây bằng những vạt cây xanh ngát, những làn gió nhẹ và bầu không khí mang đậm mùi hương cây trái. Trong suốt hành trình về với miền Tây thanh bình, du khách sẽ được trải nghiệm không ít những điều thú vị:
SÁNG SỚM THAM QUAN CHỢ NỔI TRÊN SÔNG
Với đặc điểm địa hình gồm hệ thống kênh rạch, sông ngòi chằng chịt. Do đó, từ rất lâu, chợ nổi đã trở thành nét văn hóa đặc thù của vùng sông nước miền Tây. Thăm các khu chợ sầm uất này vào khoảng 5- 6 giờ sáng, du khách sẽ được tận mắt chứng kiến những con thuyền với "cây bẹo" treo lủng lẳng vui mắt, hoạt động bán buôn diễn ra vô cùng sôi động. Vào mùa hè, những con thuyền chở đầy ắp đủ các loại trái cây miệt vườn từ cam, vú sữa, măng cụt, sầu riêng cho đến chôm chôm, nhãn,…trông tựa như bức tranh ngũ sắc tuyệt tác.
Chợ nổi Cái Răng, Cần Thơ. Nguồn: Internet.
Nếu muốn, du khách có thể thưởng thức những món ăn đặc sản của vùng đất này như: Hủ tiếu Mỹ Tho, bún riêu, … hay nhấm nháp ly café sáng ngay trên thuyền.
Những khu chợ nổi lớn nhất ở miền Tây là: Chợ nổi Cái Bè, chợ nổi Phụng Hiệp (Hậu Giang), chợ nổi Châu Đốc (An Giang), chợ nổi Cái Răng (Cần Thơ), chợ nổi Phong Điền (Cần Thơ)
TRƯA THƯỞNG THỨC TRÁI CÂY TẠI NHỮNG KHU VƯỜN SAI TRĨU QUẢ
Ghé thăm một vườn trái cây nơi đây du khách sẽ được, tự tay vịn cành, hái trái và thưởng thức trái cây tươi ngon bậc nhất của vùng đất trù phú này.
Tùy theo hành trình tìm hiểu của mình mà du khách có thể ghé một trong số những vườn trái cây nổi tiếng như: Vườn trái cây Mỹ Khánh (Cần Thơ), vườn trái cây Cù lao An Bình (Vĩnh Long), vườn trái cây Cái Mơn (Bến Tre), vườn trái cây Cái Bè (Tiền Giang),…
Vườn trái cây Mỹ Khánh. Nguồn: Internet.
CHIỀU VỀ LỘI MƯƠNG BẮT CÁ
Chiều chiều, thử đi dọc những con đường quê miền Tây, ở đó du khách sẽ dễ dàng bắt gặp những hình ảnh rất đỗi bình yên của người dân miệt sông nước,…hình ảnh những đàn bò ung dung gặp cỏ, những cánh đồng lúa đang thời con gái, hay nhưng người nông dân buông lưới, thả câu để thực đơn bữa tối thêm phong phú đều gần gũi, quen thuộc và cũng là dịp để bạn ghi dấu hành trình sống chậm ở miền Tây bằng những bức ảnh đầy nghệ thuật.
Nếu muốn, bạn có thể hòa cùng các hoạt động của người dân nơi đây như: Câu cá, lội mương bắt cá, bắt cua ngoài đồng,…vô cùng thú vị. Chẳng gì hoàn hảo hơn khi được thưởng thức bữa tối cùng người dân địa phương với “chiến lợi phẩm” là những con cá, con tôm, cua,… do chính tay bạn bắt lúc chiều.
TỐI ĐẮM CHÌM VÀO TỪNG CÂU CA NGỌT NGÀO
Ai đã từng có lần du lịch miền Tây mà chưa một lần nghe đờn ca tài tử thì chắc chắn chưa thể cảm nhận được hết những nét văn hóa đặc sắc và thi vị của vùng miệt vườn sông nước này.
Đờn ca tài tử là loại hình nghệ thuật dân gian đặc trưng của vùng Nam bộ, được hình thành và phát triển từ cuối thế kỷ 19, bắt đầu từ nhạc lễ, Nhã nhạc cung đình Huế và văn học dân gian. Năm 2012, đờn ca tài tử Nam bộ đã được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa Phi vật thể.
Không chỉ là loại hình nghệ thuật đặc trưng của vùng miệt vườn sông nước Nam bộ gồm sự kết hợp hòa quyện đặc sắc giữa tiếng đờn, lời ca và điệu diễn đờn ca tài tử còn phản ánh tinh hoa văn hóa ngàn năm của dân tộc. Trong từng bài, lời ca gần gũi với cuộc sống hàng ngày, thể hiện niềm vui, sự hân hoan và thậm chí là nỗi buồn nhưng đâu đó vẫn toát lên được nét mộc mạc, giản đơn, mặn mà và tha thiết trong tâm hồn người dân bản địa.
Đờn ca tài tử Nam bộ. Nguồn: Internet.
Du lịch miền Tây, không khó để du khách có thể trải nghiệm được những điệu đờn ca tài tử ngọt ngào. Vào những đêm trăng sáng bên bến sông hay trong từng làng nhỏ người dân thường tụ họp với nhau để thể giao lưu, hiện tài năng đờn ca của mình. Thậm chí nhiều nơi đã hình thành các đội, nhóm diễn đờn ca chuyên nghiệp và đã trở thành một nét văn hóa đặc trưng của con người miền Tây sông nước.
Miền Tây là như thế đấy, bình yên và thi vị và mộc mạc quá đỗi đến nỗi bất cứ ai có dịp ghé thăm đều không muốn rời chân đi.
Nguyễn Liên
Tham khảo >>> Tour Du Lịch: Cần Thơ – Sóc Trăng – Bạc Liêu – Cà Mau (4N3Đ)